Làm thế nào kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất? [Phần 1] | Digiwin Software (Vietnam)
Chat hỗ trợ
Chat ngay

Làm thế nào kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất? [Phần 1]

Làm thế nào kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất? [Phần 1]

Đã bao giờ bạn gặp tình trạng thế này: khi tập trung kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm thì hiệu suất sản xuất bị giảm sút; song khi tập trung trở về hiệu suất thì chất lượng lại có vấn đề!

Vậy, chúng ta nên kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất như thế nào mới có hiệu quả?

Trước khi Chuyên gia tư vấn quản lý William Edwards Deming đưa ra khái niệm “The quality of a product is not detected, the quality is already there.” (Chất lượng sản phẩm là do sản xuất ra chứ không phải được kiểm tra ra, chất lượng đã ở trong sản phẩm), thì quản lý chất lượng chỉ giới hạn ở việc kiểm tra, đồng nghĩa chỉ thực hiện kiểm tra sau khi cầm thành phẩm trên tay.

Câu nói nổi tiếng của William Deming chỉ ra rằng: chỉ khi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về công nghệ và từng bước thao tác trong mọi mắt xích của quy trình sản xuất, thì chất lượng sản phẩm mới có thể được đảm bảo. Nếu bỏ qua việc kiểm soát quá trình mà chỉ chăm chăm vào kiểm tra thì không thể nào đảm bảo được chất lượng, vì việc kiểm tra chỉ có thể loại bỏ các sản phẩm lỗi, phế liệu chứ không thể cải thiện chất lượng sản phẩm. Nói một cách khác, trọng tâm của việc kiểm soát chất lượng không ở việc kiểm tra sau sự việc mà phải đặt ở khâu sản xuất, cũng tức là trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi gặp vấn đề về chất lượng vẫn thường quy trách nhiệm lên Phòng Chất Lượng, chủ yếu vì mang các quan điểm sai lầm như sau:

  • Chấp nhận sản phẩm NG với một lượng nhỏ, vì những khuyết điểm ngoài ý muốn là không thể tránh khỏi;
  • Chất lượng sản phẩm là trách nhiệm của bộ phận kiểm soát chất lượng;
  • Chỉ xem trọng kiểm tra sản phẩm, nhân viên QC có trách nhiệm xử lý sản phẩm lỗi;
  • Nếu có vấn đề thì đều là vấn đề của bộ phận chất lượng.

Tin rằng các bạn làm việc trong lĩnh vực chất lượng đều có sự đồng cảm dù ít hay nhiều. Nhưng, vì đâu mà có sản phẩm NG?

1. Tại sao lại có vấn đề về chất lượng?

  • Vấn đề không được giải quyết từ giai đoạn phát triển sản phẩm, tỷ lệ FPY (First Pass Yield: là chỉ số quan trọng đánh giá tỉ lệ sản phẩm hoàn thành đúng trong lần sản xuất đầu tiên mà không cần sửa chữa hay xử lý) quá thấp, nhưng lại mong chữa cháy bằng việc tăng tần suất kiểm tra để giảm sản phẩm bị lỗi hoặc kém chất lượng;
  • Bổ sung vật liệu rework và vật liệu kém chất lượng mà không thử nghiệm hay xác minh trước, thiếu nhận thức chính xác về sự biến động của chất lượng sản phẩm;
  • Khách hàng đòi lấy hàng gấp, cấp trên gây áp lực, chủ quản đánh giá dựa theo kinh nghiệm, cho “thông hành” đặc biệt đối với những sản phẩm không nằm trong phạm vi tiêu chuẩn, làm gieo mầm móng rủi ro cho sản phẩm NG;
  • Thị trường đã nâng cao tiêu chuẩn đối với chất lượng sản phẩm nhưng công ty vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn ban đầu.
  • Các vấn đề xảy ra trong quá trình sản xuất mà không do con người, nhưng lại không nằm trong phạm vi và tần suất kiểm tra…

2. Những tình huống thực tế về chất lượng:

Trường hợp 01:

Một công ty sản xuất phụ tùng ô tô sử dụng nhựa ABS (750SQ), sau khi đã dùng 3,4 tấn nguyên liệu mới phát hiện trên bề mặt các chi tiết nhựa được làm ra từ nguyên liệu này đều có chấm đen, khiến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gây thiệt hại lớn.

Trường hợp 02:

Một công ty cung cấp nguyên liệu dùng trong sản xuất màng co bọc sữa, tất cả hạng mục kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên khi chuẩn bị sử dụng, nhà sản xuất màng co phát hiện masterbatch (hạt nhựa cô đặc) có mùi rất khó chịu nên đã khiếu nại và hủy đơn hàng. Nếu như nguyên liệu này được dùng để sản xuất màng co, hậu quả thật sự khó lường.

Trường hợp 03:

Một công ty sản xuất do không thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát màu sắc của hạt nhựa cô đặc, khiến các chi tiết nhựa được sản xuất ra có sự chênh lệch về màu, dẫn đến hậu quả là mất khách hàng.

Trường hợp 04:

Do kiểm soát không chặt chẽ về độ ẩm của nhựa liệu, sản phẩm ép phun ra có nhiều bong bóng trên bề mặt (sản phẩm không đạt tiêu chuẩn), và cuối cùng hàng chục tấn nhựa đã bị trả hàng, doanh nghiệp còn phải bồi thường những tổn thất đã gây ra.

Những trường hợp về chất lượng sản phẩm nhựa xảy ra rất thường xuyên, nhưng có thật sự tất cả đều nên quy trách nhiệm cho bộ phận chất lượng không?

Trên thực tế, mọi khía cạnh trong hệ thống quản lý chất lượng đều phải được kiểm soát chất lượng, và đương nhiên những biện pháp kiểm soát này không phải chỉ một bộ phận kiểm tra chất lượng hay bộ phận quản lý chất lượng là có thể hoàn thiện và bao quát được, mà nó phải được kiểm soát bởi nhân viên đang có vị trí lợi thế nhất.

Ví dụ, một số vấn đề về chất lượng sẽ dễ bị phát hiện hơn trong quá trình sản xuất thay vì chờ đến khâu kiểm tra. Vậy nên lúc này, người đang thực hiện sản xuất sẽ biết rõ vấn đề hơn người kiểm tra. Nếu như chính người này cũng không chủ động khống chế chất lượng mà chỉ trông cậy vào nhân viên QC thì khó mà đảm bảo được chất lượng sản phẩm, chưa kể lúc đó lãng phí và tổn thất đã xảy ra, kèm theo những hệ lụy có thể lường trước như: sản phẩm không đạt phải làm lại, làm lại ở ca nào? Làm trên máy nào? Mỗi thiết bị trong nhà máy không phải chỉ dùng để sản xuất một lệnh sản xuất, vậy phải chèn lệnh làm lại như thế nào thì phù hợp? Các đơn hàng phía sau có bị ảnh hưởng?

**Ở chương tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ các khía cạnh cũng như phương pháp thực hiện kiểm soát chất lượng sản phẩm. [Còn tiếp]