Diễn giải quy định về Giảm thuế GTGT theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP | Digiwin Software (Vietnam)

Diễn giải quy định về Giảm thuế GTGT theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP

(Nguồn: thuvienphapluat) Như thông tin đã được phổ biến rộng rãi qua các kênh truyền thông báo chí, Tổng cục Thuế đã ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP về chính sách giảm thuế GTGT. Theo đó, nhiều nhóm hàng hóa – dịch vụ phổ biến sẽ được giảm thuế GTGT từ mức 10% xuống còn 8%.

Các đối tượng được giảm thuế GTGT

Hầu hết tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm thuế GTGT trừ một số nhóm như sau:

  • Nhóm hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I kèm theo Nghị định bao gồm: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất
  • Nhóm hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục II kèm theo Nghị định bao gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuốc lá điếu, xì gà, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ, xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3, tàu bay, du thuyền, xăng các loại…
  • Nhóm hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục III kèm theo Nghị định bao gồm các sản phẩm về công nghệ thông tin: Card âm thanh, hình ảnh, mạng và các loại card tương tự dùng cho máy xử lý dữ liệu tự động, thẻ thông minh, máy vi tính và các thiết bị ngoại vi của máy vi tính…

**Đối với những hàng hóa, dịch vụ có thuế suất là 0% hoặc 5% thì không thuộc đối tượng được giảm thuế.

Mức giảm thuế GTGT

Hiện tại các đối tượng thuộc danh sách giảm thuế GTGT đang thực hiện đóng nộp theo 2 phương pháp, tương ứng với đó là các mức giảm cụ thể như sau:

  1. Các tổ chức, cơ sở kinh doanh đóng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đang được áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm xuống còn 8% trừ một số hàng hóa, dịch vụ bị loại trừ.
  2. Các tổ chức, cơ sở kinh doanh đóng nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ % tính thuế GTGT (chỉ áp dụng đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm trừ).

Thủ tục để được giảm thuế GTGT

1. Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Tại dòng thuế suất trên hóa đơn GTGT, người lập ghi 8%.

Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa kê khai thuế GTGT đầu ra dựa vào giá trị đầu vào đã ghi trên hóa đơn GTGT.

Nếu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ thì phải ghi rõ thuế suất của từng loại theo quy định.

2. Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu:

Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT khi lập hóa đơn bán hàng, cần lưu ý:

  • Ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm vào cột “Thành tiền”;
  • Ghi số tiền sau khi đã giảm trừ 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu vào dòng “tiền hàng hóa, dịch vụ”;
  • Bổ sung ghi chú về số tiền đã giảm tương ứng với 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu. Nội dung cụ thể được ghi: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15”.

**Lưu ý: Những hóa đơn đã lập và kê khai theo mức thuế suất chưa giảm thì có thể xử lý theo quy định về hóa đơn, chứng từ để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

So sánh quy định Giảm thuế GTGT giữa NĐ số 44/2023/NĐ-CP và các NĐ liên quan trước đó

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Nghị định số 41/2022/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về giảm thuế GTGT 2%. Căn cứ theo những quy định mới được cập nhật trong Nghị định số 44/2023/NĐ-CP thì nội dung về cơ bản vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, giữa các nghị định vẫn có những sự thay đổi như sau, doanh nghiệp cần lưu ý và cập nhật:

Điểm thứ nhất:

Bổ sung quy định đối với mặt hàng khai thác than bán ra.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định mới với mặt hàng than được luân chuyển mua vào/bán ra trong quy trình khép kín tức là từ quy trình khai thác tới bán ra giữa các đơn vị trong cùng tập đoàn, tổng công ty thuộc đối tượng được giảm thuế.

Điểm thứ 2:

Sửa đổi quy định về việc xử lý hóa đơn đã lập và kê khai theo mức thuế suất/mức tỷ lệ % chưa được giảm.

Điểm thứ 3:

Bỏ quy định liên quan đến hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá.

Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 15/2022, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải thực hiện điều chỉnh giá với các hóa đơn dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá. Điều này tạo nên một bất cập rất lớn về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi mà số lượng hóa đơn in sẵn thường rất lớn. Điều này bị đi ngược với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp của Nghị định.

Điểm thứ 4:

Cập nhật mới trong phần ghi chú ở cuối các Phụ lục I và Phụ lục III.

Bởi có nhiều sự khác biệt giữa tên của các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong danh sách không được giảm thuế tại các phụ lục Nghị định 15/2022/NĐ-CP với tên ngành sản phẩm, dịch vụ quy định tại Quyết định số 43/2018/QD-TTg. Nên Nghị định 15 gây ra nhiều bất cập tại trong việc xác định đâu là mã hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế hay không.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc xác định mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu tại các Phụ lục, đặc biệt là các dòng hàng có mô tả “hàng hóa chưa được phân vào đâu”.

Tại nghị định 44/2023/NĐ-CP đã sửa phần ghi chú cuối Phụ lục I, Phụ lục III như sau:

  • Đối với mã số HS ở cột (10) Phần A và cột (4) Phần B Phụ lục này: Các mặt hàng không được giảm thuế giá trị gia tăng trong Chương 02 chữ số, nhóm 04 chữ số hoặc 06 chữ số bao gồm tất cả các mã hàng 08 chữ số trong Chương, Nhóm đó.
  • Mã số HS ở cột (10) Phần A và cột (4) Phần B Phụ lục này chỉ để tra cứu. Trên thực tế việc xác định mã số HS thực hiện theo quy định về phân loại hàng hóa tại Luật Hải quan và các văn bản liên quan.

Thời gian hiệu lực của Nghị định khá là ngắn nên doanh nghiệp cần phải nhanh chóng cập nhật và áp dụng để có thể được hưởng tối đa quyền lợi hỗ trợ từ Nhà nước, nhằm phần nào hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

(Nguồn: thuvienphapluat)

028-73070788