Proxene Tools | Tìm hiểu nhà máy duy nhất sản xuất mỏ lết quốc phòng cho Mỹ! | Digiwin Software (Vietnam)
Chat hỗ trợ
Chat ngay

Proxene Tools | Tìm hiểu nhà máy duy nhất sản xuất mỏ lết quốc phòng cho Mỹ!

EPS tăng gấp 3 lần, cùng tìm hiểu nhà máy duy nhất có thể sản xuất mỏ lết quốc phòng cho Mỹ

Một chiếc mỏ lết cỏn con, nhưng lại là công cụ cần thiết trong ngành bán dẫn thậm chí là hàng không, vũ trụ, quốc phòng; thế nhưng lại không một nhà máy nào ở Mỹ có thể sản xuất. Vì sao Proxene Tools tại Đài Trung có thể trở thành nhà thầu duy nhất toàn cầu nhận đơn hàng này? Đằng sau con số EPS (Earnings Per Share – Thu nhập trên mỗi cổ phiếu) tăng gần gấp 3 lần, không thể chỉ là vận may từ dịch chuyển đơn hàng…

Tháng 7.2023, tờ Wall Street Journal xuất hiện một tiêu đề to tướng: “Why America’s Largest Tool Company Couldn’t Make a Wrench in America” (Vì sao công ty dụng cụ cầm tay lớn nhất nước Mỹ không thể sản xuất mỏ lết ở Hoa Kỳ?)

Craftsman là công ty có gần một thế kỷ bề dày lịch sử, là doanh nghiệp trứ danh trong ngành công cụ ngũ kim, logo màu đỏ chữ trắng ấy là tượng trưng cho tinh thần ngành nghề thủ công của người Mỹ, và luôn lấy làm tự hào vì được Made in America. Song, những năm gần đây, vận xấu lại không ngừng tìm đến thương hiệu này.

Proxene Tools là một trong ba nhà sản xuất mỏ lết điều chỉnh công nghiệp hàng đầu thế giới, với thị phần ¼ toàn cầu.
Bên trái là TGĐ Wu, Chuan-Fu, bên phải là P.TGĐ điều hành Wu, Chang-Min.
(Ảnh: Wang, Jian-Dong)

Trước tiên là chủ cũ Sears chuyển hầu hết các sản phẩm của Craftsman sang Trung Quốc để cắt giảm chi phí. Sau đó Sears tiếp tục bán Craftsman cho Stanley Black & Decker, tập đoàn dụng cụ cầm tay lớn nhất nước Mỹ, song tinh thần thủ công trong ngành sản xuất của Mỹ đã không vì vậy mà trở lại vinh quang.
Năm 2020, Western Forge, nhà máy OEM của Craftsman ở Mỹ, tuyên bố đóng cửa. Cùng năm, Stanley Black & Decker quyết định chi 90 triệu USD đầu tư vào một nhà máy tự động hoá mới ở Texas, với mong muốn đánh bóng lại thương hiệu Craftsman, nhưng cuối cùng cũng thất bại sau hơn ba năm hoạt động.
Kể từ đó, Hoa Kỳ không còn nhà máy nào sản xuất mỏ lết. Trong khi người Mỹ đau buồn cho nền sản xuất của Mỹ, thì những đơn hàng này đã lặng lẽ đổ về Proxene Tools, một công ty với 40 năm tuổi có căn cứ địa ở Thần Cương, Đài Trung.

Giành được đơn hàng không ai có thể làm,

Top 3 công ty dụng cụ cầm tay Mỹ đều là khách hàng

Đứng trước bức tường trưng bày đủ loại mỏ lết khác nhau, Phó Tổng Giám đốc Wu Chang-Min chia sẻ: “Khi thợ ống nước hay thợ điện đến nhà bạn sửa chữa, cứ xem thử hộp đồ nghề của họ, nếu có mỏ lết thì đại loại 70% là sản phẩm của chúng tôi”. Ông Wu tự hào cho biết, Proxene hiện là một trong ba nhà sản xuất mỏ lết công nghiệp hàng đầu thế giới và chiếm 1/4 thị phần.

Mỏ lết của Proxene nằm trong Top ba thương hiệu dụng cụ cầm tay hàng đầu tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Wang, Jian-Dong)

Khác với cờ lê mỗi loại chỉ đóng mở được một quy cách đai ốc, mỏ lết có vít điều chỉnh để phù hợp với các đai ốc lớn nhỏ khác nhau. Trong các lĩnh vực với chuyên môn khác nhau như: cơ điện nước, xây dựng, khai thác mỏ, sửa chữa ô tô, quốc phòng và hàng không vũ trụ, đâu đâu cũng có thể thấy sản phẩm của Proxene, ba hãng dụng cụ cầm tay hàng đầu tại Hoa Kỳ đều là khách hàng của công ty.

Không chỉ sản xuất OEM, Proxene còn có khả năng R&D và thiết kế. Những năm gần đây, thị trường dụng cụ cầm tay tại Hoa Kỳ xảy ra nhiều biến động với các đợt sáp nhập, mua lại và rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu chung của thị trường dụng cụ cầm tay vẫn tiếp tục tăng trưởng, và các thương hiệu vẫn cấp thiết tìm kiếm nhà gia công OEM.

Các nhà sản xuất chính của dụng cụ cầm tay đa năng đều đang phân bố ở Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên đối với công cụ có yêu cầu chuyên môn cao hơn, từ sửa chữa ô tô, khai thác mỏ, quốc phòng đến hàng không vũ trụ, thì bị thống trị bởi các nhà sản xuất Châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan. Từ mục đích sử dụng chung đến cấp chuyên nghiệp, giá cả có thể chênh nhau từ 2 đến 5 lần.

Western Forge đóng cửa kinh doanh vào năm 2020, điều đó đồng nghĩa là không ai sản xuất dụng cụ cầm tay chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp quốc phòng. Dù rằng các nhà máy ở Châu Âu và Nhật Bản có thể đạt được độ chính xác theo yêu cầu, nhưng chi phí đắt hơn, công suất lại có hạn. Nhà máy Trung Quốc có giá tốt nhưng chất lượng lại không phù hợp, chưa kể đến chính sách kinh tế của Mỹ, vì vậy mà quốc gia này đã bị loại từ vòng gửi xe.

Nhìn quanh, ngoài Proxene ra thì hầu như không còn nhà máy nào khác trên thế giới có thể nhận đơn hàng này. Dưới hiệu ứng dịch chuyển đơn hàng, thu nhập sau thuế trên mỗi cổ phiếu của Proxene đã tăng gần gấp ba lần trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2022, thu về nhiều hơn một vốn cổ phần. Đến tháng 12 năm ngoái thì công ty chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Trở thành công ty ngành dụng cụ cầm tay thứ hai niêm yết sau công ty Eclatorq.

Nhưng suy cho cùng, điều này không chỉ là may mắn. Nếu trước đây Proxene không xây dựng dây chuyền sản xuất thông minh, có lẽ cũng rất khó để khai thác được các cơ hội kinh doanh mới.

Hợp tác với HIWIN trong “Dự án Thủy thủ” để thúc đẩy dây chuyền sản xuất thông minh

Năm 2019, dưới sự thúc đẩy của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế, nhà sản xuất vít bi lớn HIWIN lên kế hoạch bắt tay cùng hai Hiệp hội ngũ kim và dụng cụ cầm tay để chọn ra hai công ty xây dựng dây chuyền sản xuất thông minh, và gọi đó là “Dự án Thủy thủ”. Khi đó, Tổng Giám đốc Proxene ông Wu Chuan-Fu đồng thời là chủ tịch hiệp hội dụng cụ cầm tay, ông đưa tin này lên nhóm, nhưng vài ngày trôi qua vẫn không ai tham gia.

Theo kế hoạch ban đầu, thì ngoài trợ cấp từ chính phủ, doanh nghiệp tham gia sẽ phải chi ít nhất 10 triệu Đài tệ. Tại Đài Loan, trung bình một nhà máy sản xuất dụng cụ cầm tay sẽ không có nhiều hơn 50 nhân viên. Lợi nhuận của doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào khoảng vài chục triệu Đài tệ một năm, vì vậy ngay cả khi biết rằng tự động hóa là tương lai, trong lòng các chủ doanh nghiệp vẫn ít nhiều mang tâm lý bảo thủ.

Không đầu tư thì sẽ không có thêm chi phí khấu hao, mà về lâu dài cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn hiệu quả sản xuất thấp, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của Western Forge. Doanh nghiệp cùng ngành ở nước ngoài dặm chân tại chỗ, doanh nghiệp trong nước thì đang đối mặt với tình thế dân số già, ông Wu nhìn thấy điều này và luôn trăn trở về nó. Đã rất lâu từ trước khi xuất hiện “Dự án thuỷ thủ”, ông đã nghĩ đến việc đầu tư vào tự động hóa.

“Nếu không ai sẵn lòng thì chúng ta phải làm người tiên phong”. Và như thế, lãnh đạo Proxene ông Wu Chuan Fu và cựu chủ tịch hiệp hội kiêm chủ tịch Công ty Redai ông Yu Hsiang Chen, đã trở thành hai người duy nhất trong toàn ngành sẵn sàng rũ bỏ tất cả dấn thân vào cuộc cách mạng này. Ông nói: “Không có đường lui thì khả năng thành công mới cao.”

Cuối cùng, không tính trợ cấp của chính phủ, Proxene, công ty có doanh thu ước tính 40 đến 50 triệu Đài tệ của năm đó, đã tự chi tổng cộng khoảng 30 triệu Đài tệ để cải cách doanh nghiệp, bao gồm: cánh tay robot, thiết kế lại layout, triển khai hệ thống quản lý, ứng dụng kho thông minh. Sau chiến dịch này, năng lực sản xuất của Proxene tăng 30%, trở thành hình mẫu kinh điển nhất, doanh thu công ty cũng bắt đầu tăng gấp ba lần.

Wu Chuan Fu, TGĐ Proxene Tools tin rằng, dụng cụ cầm tay tuy là ngành truyền thống, nhưng là sức cạnh tranh cốt lõi của quốc gia. (Ảnh: Wang Jian Dong)

Sau khi thành công, ông Wu không hề giấu nghề mà sẵn lòng để bạn đồng ngành đến tham quan, ông Wu chia sẻ: “Chúng ta phải cùng nhau làm rạng danh dụng cụ cầm tay của Đài Loan.” Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để phát triển các dụng cụ cầm tay, trong ông có một sứ mệnh đối với ngành, “Mặc dù đây là một ngành nghề truyền thống, nhưng nó là yếu tố cốt lõi cho sức cạnh tranh của quốc gia. Muốn làm chất bán dẫn, muốn làm hàng không vũ trụ, không có dụng cụ cầm tay được không? Không!”

Chang Ting Wei, Chủ tịch Công ty Machan International, nhà sản xuất hộp công cụ cho biết, sự đi đầu làm gương của chủ tịch đóng vai trò như một minh chứng sống: “Sau Dự án Thủy thủ, tất cả chúng tôi đều được truyền cảm hứng. Mọi người đều mang tâm thái học hỏi lẫn nhau và không muốn bị bỏ lại phía sau.”

Cuộc khủng hoảng tài chính đưa mỏ lết cách điện dùng cho xe điện đến với thị trường sớm hơn

Nền tảng mà Proxene đã gầy dựng, không chỉ là sản xuất thông minh. Hiện nay, Proxene còn là nhà sản xuất mỏ lết điều chỉnh kiểu Tây Ban Nha lớn nhất thế giới với thị phần hơn 50%. Cũng vì tích lũy công nghệ về mỏ lết điều chỉnh kiểu Tây Ban Nha, Proxene đã tạo ra chiếc mỏ lết cách điện hoàn toàn duy nhất tại Châu Á. Và đằng sau thành quả này, là hơn mười năm gieo trồng.

Là thế hệ doanh nhân đầu tiên trong ngành dụng cụ cầm tay, ông Wu Chuan Fu luôn tập trung vào nghiên cứu và phát triển, mỗi khi đi triển lãm ở nước ngoài, ông luôn quanh quẩn gian hàng của các đồng nghiệp quốc tế, tìm kiếm và học hỏi những xu hướng công nghệ mới.

Khi 95% doanh nghiệp cùng ngành đều đang sản xuất mỏ lết kiểu Thụy Điển, thì ông đã bắt đầu chú ý đến 5% thị trường còn lại dù không phổ biến, chính là mỏ lết kiểu Tây Ban Nha.

Sự khác biệt giữa hai loại mỏ lết này là ở vị trí của nút điều chỉnh, kiểu Thuỵ Điền nằm ở giữa mỏ lết, có thể điều chỉnh độ mở bằng một tay; kiểu Tây Ban Nha thì nút điều chỉnh nằm ở bên cạnh, cần sử dụng cả hai tay. Loại thứ hai trông có vẻ khó sử dụng, đòi hỏi độ chính xác cao hơn khi sản xuất, nhưng độ bền lại tốt hơn.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm lao đao vô số doanh nghiệp ngành công cụ cầm tay, doanh thu của Proxene bị cắt giảm một nửa, nhưng ông Wu lại cho rằng thời thế càng khó khăn thì càng phải táo bạo và đổi mới. Ông quyết định đầu tư phát triển mỏ lết kiểu Tây Ban Nha, tối ưu hóa kết cấu, nâng cao hiệu suất sản xuất và lắp ráp, giá thành thấp hơn, nhưng lợi nhuận gộp mang lại cho Proxene trái lại tốt hơn.

Không ngần ngại cho Tây Ban Nha thăm xưởng Đài Loan

Chẳng bao lâu, Proxene gần như chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Khách hàng đưa ông đến căn cứ địa sản xuất dụng cụ cầm tay, cũng là nơi ra đời chiếc mỏ lết đầu tiên kiểu Tây Ban Nha, song lại rất e ngại việc để Wu Chuan Fu đến thăm nhà máy địa phương, trái lại ông Wu thì rất sẵn sàng nếu khách hàng muốn đến Đài Loan tham quan.

“Thật ra thì chúng tôi có thể chiếm lĩnh 100% thị trường này,” ông nói bằng giọng khiêm tốn của một người anh lớn, “Nhưng họ chỉ làm vài chục nghìn chiếc thôi, chiếc bánh nên được chia nhỏ.”

Thị trường mỏ lết kiểu Tây Ban Nha mỗi năm chỉ ra khoảng hơn 100.000 chiếc, nhưng do thiết kế kết cấu đặc biệt mà khiến nó phù hợp bọc cách điện bằng cao su hơn so với mỏ lết kiểu truyền thống. Hiện nay, từ ngành thiết bị điện, thiết bị sạc, lắp ráp xe điện hoặc xe buýt điện, đều có thể bị yêu cầu đến mỏ lết cách điện, tin rằng sự tăng trưởng của Proxene sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

“Nếu trước đây chúng tôi không làm cái này, thì đã không có mỏ lết cách điện hoàn toàn.” Nhìn lại quá khứ, TGĐ Wu Chuan Fu tin rằng, điểm đặc biệt của dụng cụ cầm tay Đài Loan là ở năng lực nghiên cứu và phát triển, tuyệt đối không được gián đoạn, cũng không thể di dời, “R&D thực sự là con đường không thể dừng lại.”

[Hồ sơ ngắn] Proxene Tools

Thành lập: Năm 1984

Chủ tịch: CHAO, SIU YUEH

Tổng Giám đốc: WU, CHUAN FU

Sản phẩm chính: mỏ lết, kìm, bộ tuýp điếu cấp công nghiệp

Thành tích: Doanh thu năm 2022 là 904 triệu NTD, lợi nhuận ròng sau thuế là 181 triệu NTD, lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu là 10,96 NTD

Nguồn: Common Wealth Magazine