Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2024 đã sắp diễn ra, bất kể là ông Trump hay bà Kamala Harris đắc cử, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng. Sự khác biệt trong chính sách của hai ứng cử viên có thể ảnh hưởng đến việc quản lý chuỗi cung ứng và mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống, các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện cũng sẽ tác động đến chính sách chuỗi cung ứng. Đứng trước tình hình chính sách thay đổi, doanh nghiệp cần trang bị trước cho mình các chiến lược ứng phó như: đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường công nghệ số hóa, điều chỉnh cấu trúc một cách linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự ổn định cũng như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Nguồn : “SupplyChain 24/7” – Chuỗi Cung Ứng của Hoa Kỳ, 15/8/2024
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn chưa đến 100 ngày, các chuyên gia về chuỗi cung ứng ngày càng quan tâm đến những tác động tiềm ẩn mà cuộc bầu cử có thể dẫn đến. Để đào sâu các vấn đề liên quan, gần đây, tạp chí SupplyChain24/7 đã phỏng vấn ông Alex Saric, Giám đốc Tiếp thị của Ivalua, một công ty phần mềm chuyên cung cấp các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng và thu mua, nhằm thảo luận về những khác biệt chính trong chính sách chuỗi cung ứng của hai ứng cử viên, tầm quan trọng của các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện, cũng như cách kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Nội dung cuộc phỏng vấn dưới đây được dịch và tóm lược từ bản gốc được công bố vào ngày 15/8/2024, với mong muốn cung cấp thông tin tham khảo cho các nhà quản lý và người làm trong ngành, nhằm xem xét lại các phương án ứng phó khả thi.
SupplyChain24/7: Cảm ơn ông đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Theo kinh nghiệm, ông cho rằng cuộc bầu cử này sẽ có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với chuỗi cung ứng toàn cầu?
Alex Saric: Bất kể là Đảng Cộng hòa (Trump) hay Đảng Dân chủ (Kamala Harris) nắm quyền vào năm 2025, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn, vì vậy các Giám đốc bộ phận Thu mua cần đặt cuộc bầu cử Tổng thống vào vị trí cao hơn trên radar quản lý rủi ro của họ. Các tổ chức có tư duy chiến lược nhất đang chủ động chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp toàn diện và linh hoạt để có thể sẵn sàng điều chỉnh theo tình huống và sự thay đổi của môi trường quốc tế. Doanh nghiệp không nhất thiết phải đợi đến sau cuộc bầu cử mới đưa ra quyết định quan trọng, trên thực tế khi lập kế hoạch cho tương lai, đã nên tính đến những ảnh hưởng có thể xảy đến từ kết quả bầu cử.
SupplyChain24/7: Ông nghĩ tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khác biệt như thế nào dưới chính quyền của Trump hay Kamala Harris?
Alex Saric: Dù ai thắng vào tháng 11, chúng ta đều có thể dự kiến trước một lập trường chính sách công nghiệp tích cực hơn và mức thuế quan tiếp tục gia tăng. Nền tảng chính sách của hai ứng cử viên sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và những thay đổi có thể đến rất nhanh chóng, do đó việc chuẩn bị trước để nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt trong kinh doanh là một bước đi khôn ngoan.
Độ bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào khả năng thích ứng nhanh chóng trước các thay đổi về thuế quan, chính sách thương mại và động thái thị trường. Các tổ chức cần ưu tiên xây dựng một nền tảng dữ liệu thống nhất để có thể đưa ra các quyết định thông minh và linh hoạt khi tình huống thay đổi nhanh chóng.
Chính quyền Trump và chính quyền Kamala Harris có thể sẽ có một số khác biệt đáng kể. Dưới sự lãnh đạo của Kamala Harris, chúng ta có thể mong đợi sẽ có sự nhấn mạnh nhiều hơn vào các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để thúc đẩy phát triển bền vững. Trong khi đó, dưới chính quyền Trump, các quy định ESG có thể sẽ bị rút lại, dẫu rằng nhiều tổ chức vẫn sẽ tự nguyện tuân thủ thực hành ESG để duy trì sự cam kết với các tiêu chuẩn quốc tế. Trump cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế chung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và đánh thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Kamala Harris thì có thể sẽ tiếp tục chính sách thuế quan đã được bắt đầu từ chính quyền Trump và mở rộng dưới thời Biden, theo cách có mục tiêu cụ thể hơn.
SupplyChain24/7: Ông có cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn so với các lần trước không?
Alex Saric: Tôi cho rằng mỗi cuộc bầu cử đều thu hút sự chú ý, đặc biệt là đối với những người có quan hệ lợi ích trong triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng cuộc bầu cử lần này đặc biệt quan trọng đối với khả năng gây gián đoạn chuỗi cung ứng; các chiến dịch tranh cử tập trung nhiều hơn vào các yếu tố có tác động lớn đến chuỗi cung ứng như thuế quan. Từ thay đổi luật lao động đến chính sách nhập cư, kết quả bầu cử sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc doanh nghiệp ưu tiên các chiến lược cung ứng linh hoạt. Việc tích hợp công nghệ quản lý nhà cung cấp để đáp ứng nhu cầu dữ liệu do các sáng kiến mới mang lại, sẽ rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động từ các thay đổi chính sách. Rồi đây sẽ là một môi trường năng động, bất kỳ ai hoạt động gắn liền với chuỗi cung ứng toàn cầu đều cần lập kế hoạch hành động chủ động để đối phó với các rủi ro.
SupplyChain24/7: Các cuộc bầu cử khác như Thượng viện, Hạ viện và bầu cử Thống đốc bang cũng sẽ có ảnh hưởng chứ?
Alex Saric: Các cuộc bầu cử khác cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thường không rõ ràng hoặc ngay lập tức như cuộc bầu cử Tổng thống. Mặc dù Hiến pháp Hoa Kỳ trao nhiều quyền hạn về thương mại cho Quốc hội, nhưng thực tế các quyền này đã ngày càng nhiều được ủy quyền cho Tổng thống, vì vậy kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống là quan trọng nhất. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử khác cũng có thể có tác động, các Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ và Thống đốc mới được bầu ra có thể đề xuất các luật và quy định mới, và có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vì vậy vẫn cần được xem xét. Các dự luật này cần phải được thông qua cả hai viện và được Tổng thống ký kết mới trở thành luật, và điều này không thể hoàn thành trong một hai ngày, đôi khi thậm chí không xảy ra.
SupplyChain24/7: Theo ông dự đoán thì chính sách thương mại sẽ thay đổi như thế nào sau kết quả bầu cử Hoa Kỳ?
Alex Saric: Bất kể ai thắng cử, tôi dự đoán sẽ tiếp tục nhấn mạnh vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự khác biệt chính giữa chính sách thương mại của hai ứng cử viên dường như nằm ở phạm vi, Trump đã nói sẽ áp đặt thuế quan rộng rãi hơn, ảnh hưởng đến nhiều khu vực và nhiều loại hàng hóa hơn.
Một thách thức chính có thể phát sinh là nhiều chuỗi cung ứng đã hình thành nên trung tâm trọng yếu, như ngành công nghiệp ô tô ở Detroit, nơi các nhà cung cấp ở nhiều cấp độ đã mọc lên ở gần đó. Tại Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp cũng xảy ra tình trạng tương tự. Những cụm công nghiệp này cần phát triển ở các thị trường khác để có hiệu suất như nhau, đồng thời giảm phụ thuộc vào trung tâm cung ứng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, để sao chép hệ sinh thái tích hợp này ở các thị trường mới cần có thời gian. Mà trong quá trình này, chi phí đã gia tăng, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng đã tăng lên, lộ trình vận chuyển bị kéo dài hơn do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng cũng sẽ khiến lượng khí thải nhà kính tăng lên nhiều lần.
SupplyChain24/7: Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại chính (như Trung Quốc và Liên minh châu u) có thể sẽ phát triển như thế nào cùng với kết quả của cuộc bầu cử?
Alex Saric: Bất kể ai thắng cử, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng vẫn căng thẳng. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng với một số mặt hàng cụ thể, có thể sẽ rất khó để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Một số hàng hóa nhập khẩu như khoáng sản đất hiếm và các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào chúng, chưa có nhà cung cấp thay thế khả thi nào.
Trong các trường hợp khác, việc thay đổi có thể dễ dàng hơn nhưng vẫn bị giới hạn bởi số lượng nhà cung cấp sẵn có, điều này sẽ dẫn đến chi phí cao hơn, trừ khi điều kiện cung cấp được điều chỉnh. Trong khi với một số hàng hóa đòi hỏi chu kỳ đầu tư và khai thác dài hạn, những điều chỉnh này có thể phải mất nhiều năm để hoàn thiện.
Dưới chính quyền của Trump, quan hệ với Liên minh châu u có thể sẽ gặp nhiều căng thẳng hơn, vì các loại thuế quan rộng rãi mà ông đề xuất sẽ đặt tất cả các đối tác thương mại vào tình thế khó khăn và tạo áp lực cho các nhiều chính sách trả đũa hơn. Trước những thách thức này, điều cần thiết là phải thiết lập một chuỗi cung ứng đa dạng để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ khu vực hoặc quốc gia nào.
Từ cuộc phỏng vấn này, chúng ta có thể thấy rằng cuộc đối đầu giữa Trump và Kamala Harris trong cuộc bầu cử Mỹ 2024 sẽ có tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Dưới đây là một số kịch bản có thể xảy ra:
Trump và Kamala Harris có thể có những ưu tiên khác nhau về chính sách chuỗi cung ứng. Các chính sách trước đây của Trump thiên về việc thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, điều này có thể dẫn đến nhiều rào cản thương mại và các biện pháp thuế quan. Trong khi đó, Kamala Harris, đại diện cho Đảng Dân chủ, có thể thiên về hợp tác đa phương và nâng cao các tiêu chuẩn môi trường, điều này có thể ảnh hưởng đến yêu cầu tuân thủ và cấu trúc chi phí của chuỗi cung ứng.
Bất kể ai đắc cử, đổi mới công nghệ sẽ vẫn là trọng điểm, nhưng hướng hỗ trợ có thể khác nhau. Trump có thể nhấn mạnh ưu tiên sản xuất trong lãnh thổ Hoa Kỳ, trong khi Kamala Harris có thể ủng hộ phát triển bền vững và công nghệ xanh.
Ngoài cuộc bầu cử tổng thống, kết quả của các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách chuỗi cung ứng. Nếu Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội, các chính sách của Trump sẽ dễ dàng được thực thi hơn; ngược lại, nếu Đảng Dân chủ chiếm ưu thế, có thể sẽ có nhiều dự luật ủng hộ bảo vệ môi trường và lao động hơn, điều này có thể buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng của mình.
Kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với các quốc gia khác. Chính sách của Trump có thể dẫn đến chiến lược đàm phán thương mại cứng rắn hơn, trong khi Kamala Harris có thể thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro từ các thay đổi chính sách trở thành một vấn đề quan trọng cần xem xét. Dưới đây là một số chiến lược được đề xuất:
Chọn nhiều nhà cung cấp và khu vực để giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp hoặc khu vực duy nhất, nhằm giảm rủi ro do thay đổi chính sách.
Thiết kế cấu trúc chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng với môi trường thị trường mới khi có thay đổi về chính sách.
Xây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc với các nhà cung cấp để đảm bảo hỗ trợ và thông tin trong những thời kỳ bất ổn.
Theo dõi và phân tích thường xuyên các xu hướng chính sách liên quan, điều chỉnh chiến lược kịp thời để ứng phó với những tác động tiềm ẩn.
Tận dụng dữ liệu phân tích, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của chuỗi cung ứng, từ đó có thể phản ứng nhanh hơn trước các thay đổi.
Xây dựng khung đánh giá rủi ro, nhận diện và đánh giá các rủi ro chính sách có thể xảy ra, và lập kế hoạch ứng phó tương ứng.
Điều chỉnh chiến lược tồn kho dựa trên dự báo nhu cầu thị trường và các thay đổi chính sách để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn cung ứng.
Tổ chức các khóa đào tạo thường xuyên về quản lý chuỗi cung ứng và các thay đổi chính sách cho nhân viên, nâng cao khả năng ứng phó chung.
Thông qua các chiến lược này, doanh nghiệp có thể ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức do thay đổi chính sách gây ra, giảm thiểu rủi ro và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến cuộc bầu cử để có thể ứng phó linh hoạt và hiệu quả hơn với những thách thức trong tương lai. Ngoài ra, những người làm việc trong chuỗi cung ứng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chú ý đến quá trình và kết quả bầu cử, cũng như sự thay đổi trong cấu trúc chính trị của Quốc hội, từ đó điều chỉnh chiến lược kịp thời để ứng phó với các thay đổi tiềm năng trong thị trường và chính sách.
➤ Chú thích:
Ivalua là công ty phần mềm tập trung cho quản lý thu mua và chuỗi cung ứng, cung cấp giải pháp đám mây gíup doanh nghiệp tối ưu quy trình mua hàng, quản lý nhà cung cấp và phân tích chi tiêu. Nền tảng Ivalua nhấn mạnh việc nâng cao hiệu suất hoạt động, tính minh bạch và tính hợp quy của doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các quyết định dựa trên dữ liệu. Khách hàng của Ivalua thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, bao gồm ngành sản xuất, bán lẻ và dịch vụ tài chính…
Là Giám đốc Tiếp thị của Ivalua, Alex Saric phụ trách về chiến lược tiếp thị tổng thể của công ty và đưa ra đường lối tư duy lãnh đạo. Trước khi vào Ivalua, ông đã công tác tại Ariba trong 13 năm, từng dẫn dắt đội ngũ tiếp thị quốc tế cho đến khi công ty này bị thâu tóm bởi SAP. Sự nghiệp của Alex Saric bắt đầu từ Lực lượng Kỵ binh Quân đội Hoa Kỳ, nơi ông chỉ huy các đơn vị xe tăng và trinh sát trong hai lần triển khai chiến đấu. Ông có bằng Cử nhân Kinh tế từ Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế từ Trường Kinh doanh INSEAD châu Âu.
>> 5 bước xác định và xây dựng chiến lược giảm tồn kho
>> Kiểm soát hiện trường sản xuất, xác định “thủ phạm” làm tăng giá thành
> Làm thế nào kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất? [Phần 1]
> Làm thế nào kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất? [Phần 2]
>> Vì sao “kiểm tra sản phẩm đầu tiên” (F.A.I) rất quan trọng?
Lời nhắn:
Vui lòng chọn nội dung phù hợp:
Please wait while processing